Trước khi lên ngôi Đoàn_Nghiệp

Các tài liệu lịch sử không nói nhiều về cuộc sống của Đoàn Nghiệp trước năm 397. Ông đến từ quận Kinh Triệu (京兆, gần tương ứng với Tây An, Thiểm Tây ngày nay), và có thể là một quan cấp thấp mà Tiền Tần cử đến Lương Châu (涼州, nay là trung bộ và tây bộ Cam Túc) sau khi chinh phục Tiền Lương vào năm 376. Vợ con ông vẫn ở tại Kinh Triệu.

Năm 388, ông là một viên quan của nước Hậu Lương dưới sự cai trị của Lã Quang. Trong một bữa tiệc, Lã Quang và các quan lại của mình đang thảo luận về việc quản trị của ông ta, khi đó Đoàn Nghiệp nói với Lã Quang rằng ông ta đã quá khắc nghiệt trong việc ứng dụng các điều luật. Lã Quang trích dẫn ví dụ của các pháp gia Ngô KhởiThương Ưởng để bảo vệ cho hành động của mình. Tuy vậy, Đoàn Nghiệp lại chỉ ra rằng cả Ngô Khởi và Thương Ưởng đều đã chết do việc thực thi luật pháp một cách khắc nghiệt như vậy, và rằng những gì mà Lã Quang làm là không đúng với mong muốn của người dân. Lã Quang đã trọng thể tạ lỗi.

Năm 397, Lã Quang lúc này đã xưng đế, phải đối mặt với một cuộc nổi loạn của Thư Cừ Mông Tốn và Thư Cừ Nam Thành sau khi tin vào các cáo buộc sai trái và cho giết các thúc bá của họ là Thư Cừ La Cừu (沮渠羅仇) và Thư Cừ Khúc Chúc (沮渠麴粥), Đoàn Nghiệp khi đó là thái thú của quận Khiến Khang (建康, nay thuộc Trương Dịch, Cam Túc). Thư Cừ Nam Thành cho quân bao vây Kiến Khang, song lại cử sứ giả đến cố thuyết phục Đoàn Nghiệp rằng chế độ Hậu Lương đã trờ nên tham nhũng đến nỗi gần như bị phá hủy, và rằng với tài nghệ của Đoàn Nghiệp, ông nên trở thành một lãnh đạo. Đoàn Nghiệp ban đầu từ chối, song sau 20 ngày bị bao vây mà không có viện trợ nào đến từ kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc). Các quân sư của Đoàn Nghiệp đã đề xuất rằng ông nên chấp thuận đề nghị của Thư Cừ Nam Thành. Bản thân Đoàn Nghiệp cũng e ngại các quan của Lã Quang là Phòng Quỹ (房晷) và Vương Tường (王詳) vì vốn đã có tư thù, cuối cùng ông cũng đã chấp thuận yêu cầu. Ông lấy tước hiệu là Kiến Khang công và cải niên hiệu, có nghĩa là tuyên bố độc lập khỏi Hậu Lương và lập nên nước Bắc Lương. Ông giao phó các công việc quan trọng nhất của đất nước cho Thư Cừ Nam Thành.